* Ngắn gọn: không có bằng chứng
Bài này khá dài và khá thất vọng.
1. Hayflick limit, telomeres và telomerase
- Hayflick limit: tế bào có khả năng phân chia tối đa từ 50 tới 70 lần rồi đi vào trạng thái ngủ hoặc chết. Hayflick limit không áp dụng cho một số loại tế bào (tế bào gốc, tế bào ung thư...)
- Số lần tế bào có thể phân chia trên lý thuyết phụ thuộc vào độ dài của telomeres ở 2 đầu của nhiễm sắc thể. Telomeres sẽ ngắn dần đều sau mỗi lần phân chia và khi telomeres đủ ngắn, tế bào dừng phân chia. Nói một cách dễ hiểu, telomeres giống như cái phanh hãm quá trình phân chia của tế bào.
- Một vài loại tế bào đặc biệt (tế bào giống, tế bào gốc, tế bào ung thư..) có khả năng đảo ngược quá trình hao mòn telemeres bằng cách sử dụng enzyme telomerase. Loại enzyme này có khả năng kích hoạt quá trình tổng hợp telemeres và làm nó dài ra, do vậy, tế bào có khả năng tiếp tục phân chia...
2. Hayflick limit và lý thuyết về sự lão hóa
- Có rất nhiều lý thuyết về lão hóa (các bạn có thể tìm đọc các bài cũ để tham khảo) và một trong những lý thuyết đó có liên quan đến sự hao mòn của telomeres.
- Nói một cách dễ hiểu, khi tuổi càng cao, tế bào trải qua nhiều lần phân chia dẫn tới mòn telomeres, dẫn tới việc nhiều tế bào ở trạng thái ngủ đông và không hoạt động, quá trình phân chia không còn hiệu quả. Mà tế bào là những đơn vị nhỏ nhất cấu thành nên cơ thể, do vậy, cơ thể trở nên lỏng lẻo, rệu rã, khuyết xương, mòn sụn, teo cơ, hói đầu và già.
- Nếu telomeres được kéo dài trở lại với việc ứng dụng enzyme telemeres ở trên những tế bào soma (tế bào sinh dưỡng) thì chúng hoàn toàn có thể trẻ lại, hoạt động tiếp và phân chia bình thường và con người cũng trẻ lại?
-> Như đã nói, có rất nhiều lý thuyết về sự lão hóa và hayflick limit chỉ là một trong những số đó. Nếu chúng ta thực sự có khả năng kéo dài vòng đời của tế bào và giữ vững số lượng tế bào thì còn một câu hỏi rất lớn về chất lượng của tế bào. Làm sao để tế bào mắt trải qua 120 năm cuộc đời vẫn nhớ nó là tế bào mắt chứ không phải răng? Phần này thì liên quan nhiều hơn đến epigenome mà mình có viết ở mấy bài trước, các bạn tìm để đọc thêm.
Trong những lý thuyết về sự già đi, có một phần rất nên đọc: vì sao chúng ta lại già đi? vì sao tế bào lại bị giới hạn phân chia? Trong quá trình phân chia sẽ có lỗi xảy ra, cơ thể có rất nhiều công cụ để sửa chữa và diệt lỗi nhưng không gì là hiệu quả 100%. Do vậy, một trong những cách hiểu đơn giản nhất cho câu hỏi này: telomeres phải mòn đi, tế bào phải dừng phân chia để tránh những biến dị phát tán và phát triển thành ung thư. Đừng quên, những tế bào ung thư cũng như tế bào gốc và tế bào giống, có khả năng phân chia vô hạn...
3. Hy vọng nào cho teprenone
- Teprenone là hoạt chất được quảng cáo có khả năng ổn định telomeres. Ổn định là gì? Là kéo dài, là giữ độ dài, là để nó (telomeres) hoạt động một cách ổn định (tức là ngắn đi).
- Khi mình tìm kiếm tài liệu học thuật về teprenone, các kết quả trả về đều liên quan đến dạ dày ruột cấp tính. Cũng có tài liệu về bôi ngoài da nhưng không được xếp vào nguồn mang tính "học thuật" hoặc kĩ năng tìm tài liệu của mình qua tuổi tác cũng hao mòn. Nếu bạn nào có xin hãy chia sẻ.
- Hãy cho là chúng ta nhỏ teprenone vô tế bào trên một cái đĩa nào đó và nó thực sự thể hiện khả năng ổn định telomeres thì từ cái đĩa đến bôi da và ngấm vô trung bì và tiếp cận với nguyên bào sợi (loại tế bào quan trọng để chống già) là hơi khó hoặc ít nhất mình chưa thấy cơ sở để tin tưởng. Còn việc nó ổn định telomeres ở tế bào da thượng bì thì khá là vô nghĩa vì da thượng bì có khả năng sản sinh vô hạn trong đời người :))).
Tóm lại: ở thời điểm hiện tại nếu có hãng nào bảo bạn kem bôi của họ có khả năng kéo dài vòng đời tế bào thì họ đang không thành thật. Bạn bôi kem có thể vẫn đẹp lên nhưng không phải do vòng đời tế bào được kéo dài, đẹp lên do cái gì thì còn tuỳ thành phần và công thức